TẠI SAO CÁC HÃNG ĐỒ ĂN NHANH THẤT BẠI Ở VIỆT NAM?

Ngày đăng: 01/10/2021

“Người Việt Nam chuộng thức ăn truyền thống hơn vì họ nghèo, họ không có đủ tiền để ra những cửa tiệm đồ ăn nhanh, còn ở Philippines, chúng tôi có hàng ngàn cửa hàng đồ ăn nhanh. Các quốc gia nghèo khó như Việt nam thì không phải là địa chỉ tiềm năng cho các thương hiệu đồ ăn nhanh đến” – Một người Philippines bình luận trong nhóm cộng đồng We Are Asean.

Đây là một trong những chủ đề gây tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, trong đó chủ đề xoay quanh câu chuyện sự phát triển của các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Đông Nam Á.  Cũng từ đây mà vấn đề tranh luận lại càng trở nên gay gắt hơn khi có không ít dân mạng Philippines chê bai và cho rằng người dân Việt Nam còn nghèo, dẫn đến việc các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh không phát triển, bằng chứng là thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s đã mở hơn 600 cửa hàng tại Philippines trong khi đó, con số cửa hiệu của thương hiệu này tại Việt Nam chỉ là 22. Ngoài ra, những người Philippines dẫn thêm số liệu về số lượng các cửa hàng KFC, Jollibee tại Philippines vượt trội so với phía Việt Nam. 

Một số bình luận điển hình như: “Tôi thấy phần lớn người Việt Nam không đủ tiền mua những món ăn đắt tiền ở McDonald’s, vì thu nhập của họ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của người Philippines”. “Việt Nam nghèo, đó là lý do vì sao McDonald’s không mở nhiều cửa hàng ở Việt Nam”. “Họ không có được một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nào ra hồn, thua xa so với Jollibee của chúng ta”. “Hãy nhìn sang Việt Nam, họ không có thương hiệu đồ ăn nhanh nào nổi tiếng toàn cầu cả. Còn Philippines thì có Jollibee, hãng này có thể cạnh tranh sòng phẳng với McDonald’s mặc dù McDonald’s là một hãng đồ ăn tên tuổi trên thế giới. Và bây giờ Jollibee có tới hơn 450 cửa hàng trên thế giới và đang không ngừng phát triển” 

Nhưng có một thực tế rằng tại Philippines, có một món ăn được chế biến từ thịt thừa của các nhà hàng, thịt thải loại mót từ các túi rác… Người Philippines gọi là Pagpag. Pagpag được chế biến bằng gom những thứ thịt đã được vứt đi, kể cả những miếng thịt đã bị cắn dở, có những miếng thịt phần lớn chỉ còn phần xương, người ta còn chấp nhận lấy cả những miếng thịt lẫn trong những loại rác khác, đem đi rửa sạch và chế biến cùng với cà chua, hành tây… sử dụng để ăn với cơm. 

Hiện tại, có khoảng gần 2 triệu người dân Philippines vẫn phải sử dụng món ăn này ít nhất 3 lần/1 tuần – tương đương với 2% dân số. Báo giới Philippines từng cay đắng nói rằng Pagpag là góc khuất của ngành công nghiệp đồ ăn nhanh tại nước này, phản chiếu rõ ràng sự phân biệt giàu nghèo kinh khủng của một quốc gia từng lớn mạnh thứ hai châu Á – sau Nhật Bản. Theo thống kê của ADB, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của Philippines tiệm cận con số 20%, còn chỉ số đó tại Việt Nam chỉ rơi vào khoảng 3,5%, còn thấp hơn cả Thái Lan. 

Nếu nói về việc tại sao mà các hãng thức ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King thất bại tại Việt Nam, đơn giản là người Việt Nam có nhiều lựa chọn tốt hơn cả về tầm giá, độ ngon, dinh dưỡng và cách chế biến. Hảo Trần - Đồng sáng lập website Vietcetera chia sẻ với CNBC: "Các chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài không được ưa chuộng ở Việt Nam vì khi người Việt ăn hàng họ có thể dễ dàng mua đồ ăn ví như 1 bát phở hay 1 cái bánh mì từ những gánh hàng rong trên đường phố. Dường như các ông lớn fastfood đã đánh giá quá thấp các đối thủ tại địa phương mà họ sẽ phải cạnh tranh. Người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi McDonald's và Burger King mở cửa hàng có rất nhiều lựa chọn".

Theo số liệu của EC, người Việt chi một lượng lớn thu nhập cho thực phẩm và 78% số tiền đó được tiêu cho các hàng hoá rong ven đường, chợ truyền thống. Chỉ 1% được chi tiêu vào các cửa hàng fastfood. Ngành dịch vụ đồ ăn của Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng, trong đó hơn 430.000 là những hàng bán rong và các cửa tiệm nhỏ lẻ trên phố của người dân địa phương. 80.000 cửa hàng là phục vụ cả khách ăn tại chỗ, mang về hay đặt hàng trực tuyến, gồm cả đồ ăn và đồ uống. 22.000 là các quán bar và cà phê. 7.000 trong số đó là các cửa hàng thuộc về các chuỗi fastfood. 

Theo khảo sát của Bloomberg, mức giá tối thiểu để một người lớn ăn đủ no tại một cửa hàng thức ăn nhanh vào khoảng 5 đô/1 bữa ăn, tương đương khoảng gần 120 ngàn đồng. Với số tiền đó, người Việt có thể dễ dàng lựa chọn những món ăn tốt hơn về nhiều mặt.  Người Việt dễ dàng so sánh, nếu sử dụng 4 đô – khoảng 92 ngàn đồng cho bữa ăn, thay vì lựa chọn Big Mac, họ sẽ chọn ăn bánh mì. Tại những tiệm bánh mì nổi tiếng, mức giá cho một cái bánh mì loại tốt nhất rơi vào tầm giá 2 đô, với số tiền còn lại, người Việt Nam vẫn còn dư để uống cà phê. Ngoài ra, người Việt không chỉ có bánh mì, họ còn có hơn 200 món ăn đường phố khác. Chuyên gia Philip Kotler cho rằng: "Việt Nam là bếp ăn của thế giới" vì đồ ăn Việt Nam rất ngon và lành và đi kèm với đó là một mức giá rất dễ chịu với cả người bản địa và du khách.

Đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay từng nói rằng hệ thống ẩm thực đường phố Việt Nam là “ma trận”. Thực khách có thể tìm thấy các cửa hàng đồ ăn ở bất cứ con phố nào, bất cứ con đường nào, ở bất cứ nơi đâu, từ thành phố đến những vùng quê. McDonald’s hay các hãng đồ ăn nhanh khác ở nước ngoài được ưa chuộng bởi sự tiện dụng. Nhưng ở Việt Nam, sự tiện dụng này được "lãnh đạo" bởi bánh mì, xôi, bánh rán, bánh giò, phở... Những hàng đồ ăn Việt phục vụ nhanh chóng hơn nhiều, không cần phải chờ đợi quá lâu mà vẫn nóng hổi, tươi mới, thậm chí một số người nước ngoài còn một thuật ngữ riêng cho các cửa hàng Việt Nam phục vụ quá nhanh là "flash food". Người Việt có thể tìm đến các cửa hàng đồ ăn nhanh, nhưng đó không phải là một lựa chọn hàng đầu, với phần lớn người Việt, đó chỉ là một lựa chọn “ăn trải nghiệm” hoặc “ăn để biết”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, so với Philippines - quốc gia đã bị "đồng hóa ẩm thực", người Việt có một nền tảng ẩm thực đồ sộ và sẵn sàng "đồng hóa ngược lại" bất cứ xu hướng ẩm thực nào. Hy vọng với bài viết này, Hugs Agency sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do tại sao các hãng thức ăn nhanh lại không được ưa chuộng tại Việt Nam, cũng như đời sống ẩm thực Việt Nam, từ đây giúp các nhãn hàng kinh doanh trong ngành F&B có cái nhìn rộng hơn cho những ý tưởng phát triển phù hợp trong tương lai.