SINH VIÊN ĐẠI HỌC: NHÓM ĐỐI TƯỢNG TIỀM NĂNG VÀ CÁCH CÁC NHÃN HÀNG “LÀM THA N” VỚI HỌ
Ngày đăng: 20/03/2024
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học trong năm học 2021 - 2022 đạt 2.145.426 sinh viên. Với một số lượng đông đảo như vậy, các đặc trưng của nhóm đối tượng này trở thành cơ hội lý tưởng cho các nhãn hàng thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng lớn.
Sinh viên đại học là một nhóm đối tượng năng động và sẵn lòng tiếp nhận các sản phẩm, trải nghiệm, dịch vụ mới. Kết nối với nhóm này không chỉ giúp các thương hiệu thúc đẩy doanh số bán hàng ngay tại thời điểm hiện tại mà còn tạo cơ hội để xây dựng một cơ sở khách hàng trung thành trong tương lai.
Họ thường tích cực hoạt động trên các nền tảng truyền thông xã hội, tạo điều kiện tốt cho các thương hiệu quảng cáo hiệu quả và nâng cao nhận thức về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Sinh viên cũng có vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng và gây ảnh hưởng đến bạn bè cùng trang lứa. Nếu nhận được sự ủng hộ từ họ, sức mạnh tác động đồng thời sẽ mang lại cho nhãn hàng hiệu quả ngoài sự mong đợi.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và thu hút nhóm đối tượng này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng cho các thương hiệu. Với sự liên kết mạnh mẽ với mạng xã hội và khả năng học hỏi liên tục, sinh viên đại học là một nhóm dễ thay đổi. Do đó, việc áp dụng các chiến lược linh hoạt, cách tiếp cận sáng tạo và đổi mới là rất cần thiết để duy trì mối quan hệ với họ.
CHINH PHỤC SINH VIÊN TẠI MỌI NGÓC NGÁCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Nhiều thương hiệu đã nhận ra tiềm năng của sinh viên đại học và đã triển khai các chiến dịch nhằm thu hút sự chú ý và xây dựng mối quan hệ tích cực với họ. Một điểm chung trong các chiến dịch này là sự nỗ lực của các thương hiệu để duy trì sự hiện diện trong các hoạt động của trường và tạo liên kết với quá trình học tập và phát triển của sinh viên.
Bên cạnh đó, sinh viên đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc sống tự lập, với việc cân nhắc và quản lý chi tiêu trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, các thương hiệu cũng đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ khác nhau để kích thích tương tác và trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ từ phía sinh viên.
1. GÂY ẤN TƯỢNG BẰNG OOH SÁNG TẠO
Trong khi mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, quảng cáo ngoài trời (OOH - Out-of-home advertising) vẫn giữ vững vị thế của mình. Duy trì sự hiện diện ổn định tại các khu vực trường học là một cách hiệu quả để tăng cường nhận thức về thương hiệu từ phía đối tượng mục tiêu.
Ví dụ, chiến dịch Back-to-school của Tinder năm 2022 đã tạo ra sự chú ý lớn trên mạng xã hội thông qua việc sử dụng quảng cáo trên thang máy tại các trường đại học tại TP.HCM. Lựa chọn này là một cách thông minh vì thang máy là nơi sinh viên thường xuyên đi qua, và trong thời gian chờ đợi, họ có đủ thời gian để tiếp nhận thông điệp từ thương hiệu. Các thông điệp được cá nhân hóa theo đặc điểm của từng trường đại học, với sự sáng tạo và hài hước, Tinder đã tạo ra sự thích thú và tương tác tích cực từ phía sinh viên, đồng thời lan truyền thông điệp của họ trên các mạng xã hội.
2. ĐẨY MẠNH TƯƠNG TÁC VỚI BOOTH ACTIVATION
Sinh viên thường rất sẵn lòng khám phá và thử nghiệm các sản phẩm mới. Đây cũng là lý do tại sao các trường đại học thường trở thành điểm đến lý tưởng cho việc triển khai các gian hàng hoạt động, nơi có thể tổ chức trưng bày sản phẩm, giới thiệu các sản phẩm mới, phát các mẫu thử, tổ chức các trò chơi và tặng quà.
Coca-Cola là một trong những thương hiệu thường xuyên xuất hiện tại các trường đại học trong các dịp đặc biệt như lễ khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, và nhiều dịp khác. Vào tháng 10/2023, họ đã tổ chức Chuyến xe Bừng hứng khởi tại các trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM. Tận dụng thời gian nghỉ của sinh viên, Coca-Cola mang đến cho họ trải nghiệm đa giác quan bên trong một chai Coca-Cola khổng lồ cùng nhiều phần quà hấp dẫn, giúp giảm bớt căng thẳng sau những giờ học dài.
3. CÁC BỮA TIỆC ÂM NHẠC HOÀNH TRÁNG GIÚP SINH VIÊN “CHÁY HẾT MÌNH VỚI ĐAM MÊ”
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, các sự kiện âm nhạc quy mô lớn đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các bạn trẻ nói chung và sinh viên đặc biệt. Đây là cơ hội tuyệt vời để họ thưởng thức các màn trình diễn, gặp gỡ các nghệ sĩ và tận hưởng không khí sôi động của không gian âm nhạc. Sự lan rộng của các sự kiện âm nhạc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thương hiệu khai thác tiềm năng và tạo ra hiệu ứng tích cực từ những sự kiện này. Cuối năm 2023, trong khuôn khổ chiến dịch quảng bá cho dòng thẻ mới của mình, TPBank đã tổ chức 2in1 Concert - Nhạc hội "Trọn trải nghiệm" tại Ký túc xá Khu A - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sự kiện đã diễn ra với sự tham gia của khoảng 50.000 người xem trực tiếp và hơn 4,6 triệu lượt xem trên sóng livestream Không chỉ đánh vào yếu tố địa điểm tiện lợi cùng sự xuất hiện của các nghệ sĩ trẻ được yêu thích, TPBank còn chú ý vào “túi tiền” của các bạn sinh viên khi đưa ra hoạt động phát vé miễn phí.
TPBank 2in1 Concert đem đến những màn trình diễn bùng nổ từ các nghệ sĩ trẻ nổi bật mà các bạn sinh viên rất yêu thích như Sơn Tùng M-TP, HIEUTHUHAI, Phương Ly, Double2T, Phương Mỹ Chi, Obito,...
4. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA INFLUENCER MARKETING TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Sự hợp tác giữa các thương hiệu và KOLs, Influencers đã trở nên phổ biến và đã được chứng minh hiệu quả trong nhiều năm qua. Theo báo cáo "The State of Marketing 2024" của Hubspot, có đến 1/4 người dùng quyết định mua sản phẩm dựa trên sự giới thiệu của những người có ảnh hưởng. Điều này đặc biệt phổ biến ở các bạn trẻ, khi ảnh hưởng của các KOLs, Influencers đến họ rất sâu sắc ở nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Cambly là một trong những thương hiệu tiên phong trong việc áp dụng KOLs, Influencers Marketing bằng cách tạo ra các mã giảm giá hấp dẫn thông qua họ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các KOLs, Influencers này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực học tập mà còn lan rộng đến phong cách sống và quan điểm của các bạn sinh viên. Thục Uyên, một sinh viên năm 4 tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ rằng việc theo dõi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã có phần nào làm thay đổi quan điểm của cô về việc yêu tính nữ bên trong và học cách chăm sóc, yêu thương bản thân. Tuy nhiên, với Uyên, cô chỉ tìm hiểu về sản phẩm khi cần mua hàng thay vì bị tác động ngay lập tức bởi các KOLs. Dù vậy, cô vẫn cảm thấy tin tưởng hơn nếu sản phẩm mà cô định mua được giới thiệu bởi họ.
5. WORKSHOP, CHƯƠNG TRÌNH VỀ CHUYÊN MÔN VÀ KỸ NĂNG MỀM
Đại học đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kiến thức và kỹ năng của sinh viên, chuẩn bị cho họ sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Ngoài việc tiếp thu kiến thức từ chương trình học, sinh viên cũng tìm kiếm và bổ sung kiến thức từ các nguồn bên ngoài như các workshop và sự kiện.
Intel là một trong những thương hiệu quan tâm đến sinh viên và đã tổ chức nhiều workshop và chương trình dành cho sinh viên, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội định hướng mà còn tạo điều kiện cho họ học hỏi và phát triển kỹ năng.
6. ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA SINH VIÊN THÔNG QUA VIỆC TÀI TRỢ
Sinh viên cũng là nhóm có các hoạt động đa dạng trên mọi lĩnh vực, từ học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn đến thể thao, các hoạt động xã hội, vì cộng đồng,... Nhiều nhãn hàng đã nhìn nhận được nhu cầu đó và lựa chọn đồng hành, tiếp sức, tạo điều kiện để các bạn phát triển toàn diện.
Ngoài việc tập trung vào học tập và phát triển, nhiều nhãn hàng cũng chú ý đến các khía cạnh khác của cuộc sống sinh viên và cung cấp sự hỗ trợ phù hợp. Tết Nguyên đán là thời điểm đặc biệt để gia đình sum họp sau một năm dài làm việc và học tập. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, việc trở về quê đón Tết không phải lúc nào cũng dễ dàng vì hoàn cảnh kinh tế hạn chế.
Hiểu được tình hình đó, nhãn hàng Lifebuoy đã liên kết với Trung tâm Hỗ trợ Học sinh Sinh viên (SAC) suốt nhiều năm để cung cấp vé xe và vé tàu miễn phí cho các sinh viên gặp khó khăn. Trong năm 2024, Lifebuoy tiếp tục hỗ trợ 2.000 vé tàu và xe cùng với 3.000 phần quà Tết cho sinh viên và người lao động khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.
7. TIẾP CẬN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐƯỢC SINH VIÊN QUAN TÂM RỘNG RÃI
Các thế hệ sinh viên ngày nay thường có một sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, đặc biệt khi họ có khả năng tiếp cận thông tin vô tận về cuộc sống xung quanh. Họ đánh giá cao các thương hiệu không chỉ vì sản phẩm và dịch vụ chất lượng mà còn vì những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Do đó, việc thể hiện sự quan tâm, đồng hành và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội có thể giúp nhãn hàng tạo ra một ấn tượng tích cực đối với nhóm khách hàng này.
Nổi bật trong số các hoạt động thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, Durex đã thành công trong việc gây sốt với chương trình "Cởi Mở Đi Unitour" phối hợp cùng Vietcetera. Chương trình này mang đến cái nhìn cởi mở và sâu sắc về giáo dục về giới tính, tạo động lực và khơi gợi sự sáng tạo để sinh viên tìm hiểu, khám phá và tự thể hiện bản thân.
Cởi mở đi Unitour đã tổ chức được hai mùa và nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ đông đảo các bạn sinh viên
Cocoon cũng là một thương hiệu “siêng năng” trong việc đồng hành cùng các vấn đề xã hội thông qua các chiến dịch của mình, từ việc bảo vệ môi trường thông qua túi vải, ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ thể hiện bản sắc cá nhân cho đến chung tay cứu trợ chó mèo lang thang,...
Hải Hà (sinh viên năm 4, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng bày tỏ sự ấn tượng với nhãn hàng Cocoon khi có nhiều chiến dịch hướng đến các vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. Là một người yêu môi trường, Hải Hà từng ủng hộ nhãn hàng thông qua các chiến dịch như mua sản phẩm nhận túi vải hay đổi pin cũ,...
Nhìn chung, có thể nhận thấy rằng, thế hệ sinh viên hiện nay đang tạo ra một thị trường tiềm năng cho các nhãn hàng. Sự độc đáo, sáng tạo và không ngừng phát triển sẽ là yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu tiếp cận và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhóm bạn trẻ này.