PODCAST MARKETING VÀ 3 CÁCH CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG BẰNG ÂM THANH
Ngày đăng: 11/04/2024
Theo DemandSage, tính từ tháng 3/2024, ước tính có 504,9 triệu người nghe podcast trên toàn cầu, tương ứng với 9,52% tổng số người dùng Internet. Dù xuất hiện ở bất kỳ thể loại nào từ thời sự, giải trí cho đến văn hóa đại chúng, làn sóng “nhà nhà làm podcast, người người làm podcast” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
PODCAST LÀ GÌ? LỢI ÍCH CỦA VIỆC NGHE PODCAST
Podcast là một hình thức kỹ thuật số bao gồm lời nói và âm thanh được tải lên mạng để người dùng truy cập tự do. Khác với radio, podcast là một dạng nội dung theo yêu cầu, cho phép người nghe thưởng thức nó bất cứ lúc nào, ở đâu và có thể tua đi tua lại tùy thích. Nhờ tính linh hoạt đó, podcast đã phát triển mạnh mẽ và được tích hợp vào các ứng dụng như Spotify, Apple,... để dễ dàng tiếp cận người nghe trên nhiều nền tảng khác nhau.
Báo cáo mới nhất từ DemandSage cho biết có hơn 414 triệu tập podcast trên toàn cầu và dự đoán sẽ có hơn 100 triệu người nghe podcast ở Hoa Kỳ vào năm 2024 (tương ứng trung bình 1 người Mỹ nghe 8 podcast mỗi tuần). Những con số tích cực này phản ánh sự phổ biến của nội dung podcast, chủ yếu tập trung vào những chủ đề thú vị xoay quanh cuộc sống. Do đó, việc nghe podcast mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
1. LUYỆN NGHE NGÔN NGỮ THÔNG QUA PODCAST
Sống trong thời đại kỹ thuật số mang lại nhiều giá trị hữu ích, trong đó có khả năng dễ dàng tiếp cận và nâng cao kỹ năng về nhiều ngoại ngữ khác nhau. Ngày nay, người dùng có thể học các ngôn ngữ như tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh... một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn thông qua podcast.
Một trong những kênh podcast uy tín giúp người dùng nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh là LearnEnglish Podcast của Hội đồng Anh (British Council). Cả người mới bắt đầu và những người đã có trình độ cao đều có thể lắng nghe kênh podcast này để cải thiện khả năng của mình. Mỗi tập podcast có thời lượng khoảng 20-30 phút, và chủ đề thảo luận xoay quanh các tình huống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, mỗi tập cũng kèm theo các bài tập để người nghe rèn luyện và kiểm tra khả năng tiếp thu của mình.
Giao diện ứng dụng LearnEnglish Podcast
2. TIẾP CẬN NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
Hiện nay, podcast được xem như một cuộc trò chuyện gần gũi giữa người dẫn chương trình và người nghe. Do đó, nhiều người nổi tiếng đã bắt đầu sản xuất các kênh podcast cá nhân nhằm chia sẻ quan điểm, mang lại giá trị và câu chuyện tích cực cho cộng đồng. Những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống được họ tự mình đúc kết, làm cho những nội dung này trở nên đặc biệt và được đánh giá cao bởi đông đảo người nghe.
Trong thời gian gần đây, "Nhật ký ban công" của Minh Tú đã trở nên phổ biến đối với giới trẻ. Khác biệt hoàn toàn so với hình ảnh mạnh mẽ của một siêu mẫu, Minh Tú hiện thân trong các tập podcast như một người bạn thân thiện, gần gũi. Tại đây, cô và các khách mời chia sẻ những câu chuyện có thật và kinh nghiệm cá nhân của họ. Nhờ đó, khán giả trẻ có thể khám phá nhiều góc nhìn mới từ những sự thật chân thành được chia sẻ.
Series “Nhật ký ban công” được sản xuất từ năm 2021
3. THU HÚT NGƯỜI NGHE BỞI TÍNH ĐA NHIỆM
Dựa trên nghiên cứu của MIDAS (Measurement of Internet Delivered Audio Services) vào năm 2023, 93% người dùng lắng nghe podcast khi ở nhà một mình, 33% khi làm việc hoặc học tập, trong khi 22% truy cập lúc đang lái xe hoặc đi du lịch. Việc lắng nghe podcast kèm theo việc thực hiện những công việc khác dường như là thói quen phổ biến của hầu hết người dùng, vì chỉ có 15% người lắng nghe podcast khi họ đang thư giãn.
Lợi thế của âm thanh đã giúp podcast tiếp cận người dùng một cách thuận tiện ngay cả khi họ đang làm việc, nghỉ ngơi hoặc di chuyển mà không cần phải dành nhiều thời gian để đọc hoặc xem. Người dùng có thể tự do tải xuống, theo dõi các chủ đề yêu thích và tua lại những đoạn podcast một cách dễ dàng.
OnMic và list tóm tắt sách nói giúp người dùng tiết kiệm thời gian đọc sách nhưng vẫn có thể hiểu nội dung
TẠI SAO PODCAST LẠI TRỞ THÀNH XU HƯỚNG?
Dữ liệu từ Statista đã chỉ ra rằng vào năm 2024, tỷ lệ truy cập podcast của người dùng được dự kiến sẽ tăng 29,9% trong năm đó. Đồng thời, số lượng người nghe podcast ở Việt Nam được dự kiến sẽ đạt 30,8 triệu người vào năm 2029. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã và đang thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của mọi người, và do đó, thói quen nghe podcast cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Trong lĩnh vực Marketing, nguyên tắc "ở đâu có người dùng, ở đó có tiếp thị" được áp dụng rất rộng rãi. Do đó, podcast đang trở thành một hình thức giải trí tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể áp dụng trong chiến lược tiếp thị của họ trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà tiếp thị cũng cần thực hiện quá trình thu thập và phân tích ý kiến của tệp khách hàng mục tiêu, từ đó chọn lựa đặt quảng cáo hoặc tự tạo nội dung để quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm của họ.
NHỮNG CÁCH MARKETING HIỆU QUẢ TRÊN PODCAST
1. Dùng hình thức standard ads
Tương tự như các quảng cáo trên story của Instagram/Facebook hay TikTok, quảng cáo tiêu chuẩn trên podcast thường được các thương hiệu sử dụng để tăng khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu hoặc tăng lưu lượng truy cập vào các kênh chính của thương hiệu, nhằm thúc đẩy quá trình bán hàng. Chi phí mà doanh nghiệp cần chi trả cho các podcaster hoặc các nền tảng sản xuất podcast để có không gian quảng cáo sẽ phụ thuộc vào mức độ nhận diện và hiệu quả của kênh đó.
Theo số liệu tổng hợp từ năm 2021 của Buzzsprout, có 78% người nghe podcast không gặp khó khăn khi nghe quảng cáo trên podcast. Khả năng cân nhắc mua sản phẩm sau khi nghe quảng cáo của họ cũng đạt tới 62%. Ngoài ra, trong năm 2021, báo cáo của Edison Research Super Listeners cho thấy quảng cáo trên podcast có khả năng thu hút sự nhớ đến thương hiệu tốt hơn gấp 4 lần so với quảng cáo hiển thị hình ảnh. Điều này mang ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp khi sử dụng hình thức tiếp thị này.
Quảng cáo trên Spotify cùng Ambient Digital
2. Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing)
Theo Báo cáo Affiliate Marketing Benchmark Report của Influencer Marketing Hub, đến năm 2023, dự kiến chi tiêu toàn cầu cho tiếp thị liên kết sẽ tăng lên 14,3 tỷ USD, và dự báo tăng thêm lên 15,7 tỷ USD vào năm 2024. Báo cáo ghi nhận: “Ngày nay, lĩnh vực tiếp thị liên kết đã phát triển với sự tham gia của các đại sứ thương hiệu, mạng lưới liên kết và phương tiện truyền thông. Đây là một bước tăng trưởng đáng kể so với quá khứ”.
Trong mô hình tiếp thị liên kết này, các podcaster sẽ tạo các liên kết với sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu để thu hút người dùng click vào và tìm hiểu thêm. Chi phí chỉ được chi trả cho các podcaster khi họ đạt được doanh số bán hàng hoặc chuyển đổi. Đây được coi là một trong những cách để tối ưu hóa dữ liệu khách hàng và tạo ra sự linh hoạt trong chi phí, phù hợp với mỗi chiến dịch mà doanh nghiệp muốn triển khai.
3. Xây dựng một kênh podcast riêng
Các doanh nghiệp cũng có thể tự tạo ra các chương trình podcast mang thương hiệu riêng để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình, mục đích cuối cùng là thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng cao nhận thức về thương hiệu. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tạo ra một kênh trực tiếp để kết nối với khách hàng và cộng đồng thông qua việc chia sẻ nhiều nội dung giá trị liên quan đến lĩnh vực mà họ hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cách khó nhất vì thương hiệu phải liên tục cập nhật nội dung, tạo điều kiện cho người nghe tiếp cận thông tin một cách liên tục và hiệu quả.
Vào năm 2022, LinkedIn đã mở rộng hơn vào lĩnh vực podcast bằng việc ra mắt LinkedIn Podcast Network, tập trung vào các nội dung về công nghệ, sức khỏe tinh thần và tuyển dụng.
Khi podcast tiếp tục phát triển, các nhà tiếp thị sẽ cần phát triển các chiến lược phù hợp để đáp ứng xu hướng này. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần khám phá nhiều phương tiện tiếp thị khác nhau để tận dụng sức mạnh của podcast trong việc kết nối với người dùng.